Việt Nam đã và đang bước vào giai đoạn mới của dịch COVID-19 với diễn biến rất phức tạp tại nhiều địa phương và các thành phố lớn. Vì vậy các hoạt động mua bán, kinh doanh, spa, làm đẹp…đều bị ảnh hưởng ít nhiều. Thêm vào đó, thời tiết đang vào kì nắng nóng đỉnh điểm khiến cho rất nhiều chị em sở hữu làn da dầu mụn lo lắng không biết xử lí các em mụn như thế nào giữa lúc các cơ sở làm đẹp đều đồng loạt đóng cửa phòng dịch. Cùng tham khảo các bước nặn mụn chuẩn spa tại nhà dưới đây ngay nhé!
Trước hết, cần phân biệt rõ những loại mụn nên và không nên xử lí. Thông thường, đối với mụn bọc, nếu còn hiện trạng đỏ và đau nhức thì tốt nhất nên chờ đến khi mụn “chín tới” trồi cồi lên khỏi bề mặt da thì lấy hết phần nhân, không nên để quá lâu vì sẽ để lại thâm và sẹo rỗ trên da. Trong trường hợp mụn chưa sẵn sàng để được nặn, bạn có thể dùng thêm các sản phẩm gom còi mụn, thúc đẩy quá trình chín của mụn nhanh hơn. Ngoài ra, những nốt mụn có nhân đã chín để lại đầu đen và không còn đau thì bạn có thể tiến hành ngay việc loại bỏ chúng.
Bước 1: Chọn thời điểm “vàng” để nặn mụn
Thông thường, thời điểm đẹp nhất để xử lí mụn trên da là vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc vào những ngày cuối tuần ở nhà. Bởi khi đó, da vừa chịu tổn thương cần có thời gian để phục hồi, việc hạn chế ra ngoài sẽ tránh được bụi bẩn giúp da mau lành các vết thương hở sau khi nặn.
Bước 2: Làm sạch da
Làm sạch và xông da mặt là một trong những bước quan trọng nhất khi nặn mụn. Đầu tiên sử dụng nước tẩy trang và sữa rửa mặt massage nhẹ nhàng để loại bỏ những bụi bẩn và dầu thừa trên da. Sau đó, xông hơi với nước ấm từ 10-15 phút để làm lỗ chân lông giãn nở, giúp quá trình lấy mụn nhanh chóng và hạn chế tối thiểu tổn thương trên bề mặt da. Đồng thời đừng quên vệ sinh tay trước khi thực hiện nhé.
Bước 3: Vệ sinh dụng cụ nặn mụn
Đối với dụng cụ nặn mụn, bạn nên hơ nóng qua lửa rồi bôi một lớp cồn sau khi dụng cụ nguội để sát trùng. Dạo gần đây, xu hướng dùng tăm bông đẩy nhân mụn đang được nhiều chị em áp dụng, vì thế nếu bạn là người đã thành thạo trong việc tự lấy mụn thì hãy thử dùng cách này sẽ giảm bớt tổn thương ở da và phù hợp với những chị em chịu đau kém
Bước 4: Tiến hành lấy mụn
Nếu dùng cây nặn mụn bạn sử dụng đầu hình tròn đặt bao quanh vị trí mụn sao cho nhân mụn nằm ở giữa vòng tròn và ấn nhẹ nhàng ngược lại với chiều lỗ chân lông. Lặp lại thao tác đối với những vùng khác đến khi nhân mụn trồi lên hẳn bề mặt, tránh dùng lực quá mạnh gây tổn thương da. Hoặc nếu sử dụng tăm bông thì dùng 2 cây đặt đối đầu nhau ấn cùng lúc vào nốt mụn rồi đẩy ra dần khỏi bề mặt da. Trường hợp mụn đã quá già không thể lấy được, sử dụng đầu kim khẩy nhẹ tạo một khoảng trống nhỏ ngay vị trí mụn bạn cần lấy nhân, để nhân mụn ở sâu bên trong có thể thoát ra một cách dễ dàng.
Bước 5: Sát khuẩn da
Sau khi hoàn thành, hãy dùng Povidine sát trùng ngay lập tức và rửa lại mặt bằng nước muối sinh lý và sau cùng là nước lã sau 3 tiếng. Da mặt sau khi nặn có nhiều vết thương hở nên tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm skincare có chứa xà phòng hoặc chất tẩy tế bào chết. Nếu được hãy dành chút thời gian để đắp các loại mặt nạ có tính sát khuẩn, hồi phục da sau tổn thương
Bước 6: Chăm sóc da sau khi nặn mụn
Hẳn là sau khi nặn mụn, lỗ chân lông trên bề mặt da sẽ to hơn, các vùng sau khi chịu tác động trên bề mặt da sẽ để lại những vết sưng đỏ và thâm. Lấy mụn đã khó, chăm sóc da sau khi nặn còn khó hơn. Hãy chú trọng bước chăm sóc da này bằng việc sử dụng các bộ sản phẩm hồi phục da, chống thâm và đặc biệt luôn sử dụng kem chống nắng mỗi khi ra khỏi nhà để tránh các tác động từ tia UV.
Thông qua bài viết trên ắt hẳn chị em cũng đã bỏ túi được bíp kíp lấy nhân mụn tại nhà an toàn mà hiệu quả. Song song đó, chúng ta cũng cần chú ý cách ăn uống cũng như chú trọng quá trình chăm sóc da để đẩy lùi việc “chị em bạn dì” kéo đến thăm thường xuyên nhé! Chúc các chị em luôn xinh đẹp và giữ an toàn trong mùa dịch này!